Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận liên tục 3 trường hợp trẻ, trong đó 2 trẻ 21 tháng tuổi và 1 trẻ 17 tháng tuổi bị hóc hạt lạc. Bác sĩ phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể gắp được dị vật ra ngoài, trong khi bình thường các ca gắp dị vật chỉ mất vài phút. Sau đó có một bé 21 tháng tuổi, ở Bắc Giang phải đặt nội khí quản và thở máy.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.Hồ Chí Minh, các bác sĩ cũng liên tục tiếp nhận, điều trị cho các trẻ bị dị vật đường thở, chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi.

Điển hình là trường hợp một bé 27 tháng tuổi, ở tỉnh Kiên Giang được các bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật trong tối mùng 7 tết. Theo người nhà bé kể lại, mùng 4 Tết, bé vừa ăn hạt hướng dương vừa đùa giỡn nên bị ho sặc, đỏ mặt, nôn khan. Tối cùng ngày, bé bắt đầu khò khè, người nhà đưa bé đi khám ở tỉnh được cho thuốc điều trị nhưng không giảm.

Hai ngày sau đó bé bắt đầu sốt, còn khò khè và thở mệt nên cha mẹ đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bé bị sặc hạt hướng dương và tiến hành nội soi đường thở.

Trong lúc nội soi, các bác sĩ phát hiện phần thịt của hạt hướng dương nằm trong đường thở của bé. Vì đã nằm trong đường thở mấy ngày nên hạt hướng dương dễ vỡ, các bác sĩ đã phải gắp từng miếng nhỏ ra cho bệnh nhi. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định trở lại.

Với trường hợp này, dị vật đã lọt xuống đường thở ở phổi bên phải, nếu để lâu hơn nữa, không được gắp ra, dị vật sẽ gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng… Còn ca nội soi gắp dị vật ngay sau trường hợp này là một bé trai 2 tuổi rưỡi, bị hóc dị vật là hạt điều, gây viêm xẹp phổi.

Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ do dị vật làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến thiếu oxy. Mới đây, trường hợp bé trai 35 tháng tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi đã tử vong do nghi bị hóc hạt bí là ví dụ điển hình.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên lơ là, thiếu cảnh giác mà luôn phải để mắt đến trẻ, không cho trẻ nhỏ tự ý ăn các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt lạc, đậu phộng….

Hóc dị vật thường xảy ra đột ngột, trong khi trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Khi trẻ bị hóc dị vật sẽ có những cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở, tím tái. Một số trẻ kèm theo hoảng loạn, kích động. Trẻ lớn hơn, có thể ôm cổ và ra dấu hiệu đang bị nghẹn ở cổ.

Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim. Trẻ bị dị vật đường thở có những biến chứng cấp tính như trẻ khó thở, nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến ngạt thở.

Còn khi dị vật có thể bị bỏ quên (qua giai đoạn ho sặc sụa ban đầu, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và giảm kích thích hơn do dị vật đã đi xuống dưới, nếu trẻ không được chứng kiến bởi người lớn trước đó thì sẽ bị bỏ qua) sẽ dẫn đến trẻ ho kéo dài, viêm phổi tái diễn…

Trên thực tế, nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định trẻ bị hóc dị vật đường thở, thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu nên có thể cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra: có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

Để đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, các phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.